Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm 2021

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đến sáng 24/2 Việt Nam ghi nhận 2.403 bệnh nhân, trong đó 1.760 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 2 trường hợp bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân cao tuổi (79 tuổi là người nhập cảnh, có nhiều bệnh nền) đang rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm:
- Hòa Bình 25 ngày
- Điện Biên 20 ngày
- Hà Giang 20 ngày
- Bình Dương 19 ngày
- Hưng Yên 17 ngày
- Bắc Giang 15 ngày
- Gia Lai 14 ngày
- Bắc Ninh 13 ngày
- TP Hồ Chí Minh 12 ngày
- TP Hà Nội 9 ngày
Như vậy, đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy rằng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp Ảnh: Chinhphu.vn
Liên quan đến vấn đề giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các ca mắc tại Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: kết quả giải trình tự gene của trường hợp bệnh nhân Nhật Bản đã tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy đây là virus SARS-CoV-2 nhóm 20C, chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan… nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.
Đối với chủng lưu hành tại Hải Dương là biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh, có một mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; 8 mẫu lưu hành tại Quảng Ninh cũng là biến chủng của Anh.
Mầm bệnh có thể vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, do vậy cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.
Các nhóm đối tượng được tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vaccine Covid-19 sẽ được triển khai tiêm chủng trên phạm vi cả nước, mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp. 11 nhóm đối tượng nguy cơ cao được ưu tiên tiêm vaccine.
Bộ Y tế cũng cho biết chỉ chọn mua các vaccine an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định, đã được phê chuẩn bởi một cơ quan quản lý dược nghiêm ngặt (SRA), giá cả phù hợp.
11 nhóm đối tượng được tiêm phòng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam
Về lộ trình cung cứng vắc xin
- Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3;
- Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều
- Quý 3 có 25,9 triệu liều
- Quý 4 có 51,1 triệu liều.
- Như vậy tổng số liều là 90 triệu.
Bộ trưởng cũng thông tin 117.000 liều về đến Việt Nam hôm nay là nguồn của Astra Zeneca.
Số lượng vắc xin này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ COVID-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch…
Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vaccine này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1.2 triệu liều.
Ưu tiên đối tượng tiêm là người có nguy cơ, vùng có nguy cơ.
Bạn cảm thấy bài viết này thế nào?
Đánh giá bài viết bằng cách chọn sao
Average rating 0 / 5. Vote count: 0