Trong thời điểm này, việc giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng, chống ô nhiễm, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang là vô cùng quan trọng.

Theo các bác sĩ, trẻ em, người già là những đối tượng cực “nhạy” với thời tiết chuyển mùa, sáng và đêm lạnh, trưa nắng gay gắt như hiện nay. Trẻ mắc các bệnh về hô hấp, sốt vi rút chiếm đại đa số các trường hợp đến khám tại bệnh viện.

Sự thay đổi thời tiết như hiện nay rất “nhạy” với trẻ em. Với nền nhiệt ngày nắng hanh, trong khi sáng sớm và đêm thì trời lạnh, khiến đường hô hấp của trẻ dễ dàng bị virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh. Theo thống kê của Bệnh viện Tai mũi họng trung ương, tại thời điểm giao mùa thu – đông, lượng bệnh nhân đến khám do viêm đường hô hấp cấp tăng mạnh.

Hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản.

Ở trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Đặc biệt là những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen rất nặng nề. Có những bé, cả một mùa hè không phải dùng xịt dự phòng hen, nhưng thời điểm này, dùng liên tục vẫn có cơn ho, rít và hen phế quản cũng bắt đầu tăng mạnh. Trẻ dưới sáu tháng tuổi bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn vì khó uống thuốc.

PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khuyến cáo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp trong thời điểm này, việc giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ khi trưa nắng nóng, chống ô nhiễm, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang là vô cùng quan trọng.

Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau củ để tăng cường sức đề kháng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi bị cảm cúm. Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, thoáng để không khí lưu thông. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng tấm trải sàn. Ngoài ra cũng cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình (khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen). Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó.

Các bệnh về đường hô hấp cũng rất dễ lây qua tiếp xúc, vì thế cần thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, nghịch bẩn, sau khi xì mũi…

Cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.

Bạn cảm thấy bài viết này thế nào?

Đánh giá bài viết bằng cách chọn sao

Average rating 0 / 5. Vote count: 0